Trồng nấm mèo

Kỹ thuật cách trồng nấm mèo


_ Có 2 loại nấm mèo: nấm mèo tai mỏng (Auricularia auricula Judal schrot) là loại nấm có nhớt, màu nâu hoặc đen, hai mặt trên dưới đều nhẵn (không có lông tơ), khi nấu chín thì mềm nhũn ăn bở. Nấm tai dày (Auricularia polytricha) mặt trên của nấm láng bóng, mặt dưới phủ lông tơ.
_Nấm mèo rất dễ trồng, trồng ít nhiều gì cũng được. Không cần nhiều vốn, đất đai hay mặt bằng quá nhiều. Do thích hợp với thủy thổ nấm mèo cho năng suất cao và đã có thị trường xuất khẩu.
_Phương pháp trồng nấm mèo: có 2 phương pháp: Trồng bằng gỗ khúc, trồng bằng túi mạt cưa.
1. Trồng nấm mèo bằng gỗ khúc:
_Gỗ để trồng nấm mèo: có thể là cây so đũa, cây gòn, cây xoài, cây mít, cây sung, cây si, cây bồ đề, cây cóc rừng, cây da phật, cây keo lá tràm,…
Chú ý: những cây có gỗ đắng không nên trồng nấm mèo.
_Chọn kích cỡ của cây: lấy phần gốc, phần cành đều được, có đường kính từ 10-20 cm, chiều dài 1m, 1,2 m hay 1,5 m. Cây cưa xong là chuẩn bị ngay. Với loại cây gỗ mềm, cưa khúc xong phải dùng trong vòng 2 tuần, không nên để lâu. Với loại cây có mủ nhiều cưa xong nên dựng nghiêng cho mủ chảy hết ra mới dùng. Lúc cưa nên dùng cưa bén, đường cưa phải “ngọt”. Những chỗ cây bị bể hay dập vỏ nên dùng nước vôi rửa qua để ngăn ngừa các vi sinh vật xâm nhập phá hại. Thông thường sau khi cưa, người ta hơ trên lửa hai đầu khúc gỗ cho khô.
_ Đục lỗ để cấy meo giống: đục 10 lỗ đều nhau, lỗ phải tròn, đường kính của lỗ 1,2 – 1,5 m, sâu 2cm. Khi đục, phải lấy phần vỏ bên ngoài của cái lỗ sắp đục đó đem ra cất riêng, để sau này làm nắp đậy trên cái lỗ đó. Mỗi lỗ cách nhau 10 cm. Phía hai đầu khúc gỗ chừa ra một khúc từ 5 – 10 cm không đục lỗ.
_Cách cấy meo giống: để cấy meo giống vào lỗ đục, ta dùng một cái kềm cấy que meo giống vào rổi bẽ ngang mặt lỗ. Sau đó, dùng chính miếng vỏ trước đây đã lấy làm nắp đậy lại rồi dùng sáp ong hoặc đất sét dẻo trét kẽ hở của nắp đậy để phòng ngừa các vi khuẩn xâm nhập vào cây.
_ Cách ủ meo: chuyển tất cả các khúc gỗ đã được cấy meo vào láng trại. Có thể chọn nơi mát mẻ ngoài vườn để ủ meo (nhưng phải dùng tấm phủ). Ngoài mái che mát mẻ ra còn có nền sạch sẽ, nếu được lót gạch hay tráng xi măng càng tốt.
_ Trước hết, làm một cái giàn đơn sơ nhưng chắc chắn, sao cho đủ sức chịu đựng được đống gỗ khúc xếp lên trên. Giàn được kê cao khỏi mặt đất khoảng 20 cm, để tránh bị nhiễm tạp. Sau khi sắp xếp các khúc gỗ đã cấy meo thành từng đống cao xong cần:
a/ Theo dõi ẩm độ: những khúc gỗ cấy meo giống, sau khi xếp đống ủ được 1 tuần thì bắt đầu kiểm tra độ ẩm của cây, mùa mưa ủ rất tốt. Nhưng trong những tháng nắng nóng phải tưới hàng ngày.
b/ Sắp xếp lại đống gỗ: các đống gỗ chất đống lên ủ meo cứ một tuần sắp xếp lại một lần trên vị trí cũ. Mỗi lần sắp xếp lại là mỗi lần xáo trộn vị trí của chúng. Sắp gỗ xong lại tưới cho đủ ẩm. Việc sắp xếp lại đống gỗ như vậy phải thực hiện trước sau 3 lần (tức 21 ngày). Thường sau 3 lần đảo đống gỗ ủ như vậy, quan sát gỗ trở nên sắc trắng và phảng phất có mùi nấm thì ngưng tưới nước,… Còn sắc gỗ trở đen là meo cây đó đã chết.
c/ Vệ sinh đống ủ: Khi thấy sự xuất hiện của các loại nấm dại hoặc mốc meo phải kịp thời xử lý ngay bằng cách cạo bỏ, dùng bàn chải chà xát, sau đó dùng cồn rửa sạch lại. Trong 3 tuần đầu này, nếu thấy tai nầm mèo ló ra mọc sớm thì đừng mừng, nên trẩy bỏ hết.
2/ Trồng nấm mèo bằng túi mạt cưa:

_ Phương pháp này sử dụng nguyên liệu chính là mạt cưa, nên dễ đóng túi theo kích thước mong muốn và có thể bổ sung thêm dinh dưỡng cần thiết cho nấm. Túi cơ chất sau đó, được thanh trùng ở nhiệt độ thích hợp, nên ít bị tạp nhiễm.
_Tuy nhiên, do qua nhiều khâu, nên giá thành của bịch cao và người trồng phải có số vốn ban đầu tương đối khá mới làm được. Thí dụ, nuôi trồng 1000 bịch nấm mèo phải có ít nhất hai triệu đồng (chưa kể mặt bằng và nhà trại)
_ Ngoài ra, trong quá trình nuôi trồng trên mạt cưa cần lưu ý một số điểm sau: Để tránh nhiễm tạp: mạt cưa nên sàn hoặc rây, nhằm loại bỏ các vâm bào, gỗ vụn, làm khử trùng không tốt. Chất dinh dưỡng bổ sung, như cám hoặc bắp, nếu thô (to hạt), nên làm ẩm trước. Thanh trùng theo đúng qui trình, gồm nhiệt độ và thời gian.
_Để giữ chất lượng dinh dưỡng cơ chất: mạt cưa tốt nhất là đừng nhiễm mốc trước. Qúa trình ủ nguyên liệu dài ngày, nếu muốn vi sinh vật có thể lên men đống ủ, nên hạ lượng vôi ban đầu xuống (0,5%, thay vì 1% cho quá trình ủ ngắn). Nếu thời gian ủ dài, cần định kỳ đảo trộn. Dinh dưỡng trộn vào, nên đóng bịch, khử trùng, để nguội và cấy giống ngay.
_Để cho tơ nấm mọc tốt: cần bổ sung thêm dinh dưỡng, trong đó cân đối nguồn đạm thích hợp cho nấm. Thí dụ, tỉ lệ C/N (Cacbon/Nito) của nấm mèo là 35, trong khi tỉ lệ C/N của mạt cưa cao su trên 56. Do đó, theo nguyên tắc là phải thêm đạm vào nguyên liệu trồng nấm. Ngoài ra nấm còn nhiều nguyên tố khoáng cho sự tăng trưởng của nó, như: P,K,Ca, Mg… Bên cạnh yếu tố dinh dưỡng, điều kiện nuôi ủ cũng rất quan trọng, như độ thông thoáng, nhiệt độ hạ (28 – 30° C)… giúp tơ nấm phát triển tốt, ít bệnh.
3/ Khử trùng cơ chất trồng nấm mèo:
_ Nguyên liệu trước khi cấy giống cần khử trùng để diệt các mầm bệnh có thể hại nấm. Để làm việc này có hiệu quả, cần có sự phối hợp của ba yếu tố:
_ Chất lượng nguyên liệu sử dụng: nguyên liệu cũ, bị mốc, kích thước không đồng đều, thành phần phức tạp, thịếu ẩm… sẽ khó khử trùng hoặc phải khử trùng kỹ hơn. Ngoài ra nếu bao bì bị bám bẩn, ở miệng hoặc vỏ bọc bên ngoài, nút bông bị ướt.. đều dễ phát sinh nhiễm tạp.
_ Chế biến và ủ đóng nguyên liệu: nguyên liệu trộn thêm các chất có tác dụng khử trùng như vôi, thuốc tím (Permanganat Kali – KMnO4)… giúp hạn chế một phần mầm bệnh. Trong quá trình ủ, nhiệt độ đống ủ tăng cao (60- 80°C), cũng góp phần diệt nhiều vi sinh vật có hại. Qúa trình ủ cũng làm nguyên liệu hút ẩm đồng đều hơn, cũng tạo nhiều thuận lợi cho việc khử trùng.
_ Cách thức khử trùng: phương pháp khử trùng phổ biến hiện nay là dùng nhiệt ẩm (có hoặc không có áp suất) và cần thiết tương ứng. Dù phương pháp nào cũng đều phải đảm bảo nhiệt độ và thời gian khử trùng thích hợp.
_ Một vài nơi còn sử dụng thùng phuy, nắp đậy được làm bằng nhựa và bao bố ướt. Nhiệt độ các nồi này thường không cao, khoảng 85- 90°C, do đó, phải kéo dài 5- 6 giờ.
Nhiều nơi khác, hệ thống nấu dùng chảo có vỏ bọc bằng tôn, sắt, ximăng… dạng hình khối hộp, cửa mở ra trước mặt. Nhiệt độ nồi thường không cao, khoảng 95 – 100°C thời gian hấp từ 3- 4 giờ. Khu vực Long Khánh còn làm nồi khối tròn, có nắp đậy và ốc vặn chắc chắn, nhưng nhiệt độ sử dụng khoảng 105°C trong 2 giờ 30 – 3 giờ.
4/ Trồng nấm mèo như thế nào cho có năng suất
_ Năng suất nấm lệ thuộc bởi nhiểu yếu tố, bao gồm:
• Giống nấm
• Thành phần dinh dưỡng
• Điều kiên nuôi ủ và chăm sóc
• Phòng bệnh
A/ Meo giống nấm
Muốn nâng năng suất nấm mèo, trước tiên phải có nguồn giống cung cấp tin cậy, còn lại tùy thuộc vào kỹ thuật người trồng.
B/ Dinh dưỡng cho nấm
_ Liên quan đến loại mạt cưa (loại gỗ) và thành phần thêm vào. Thành phần này có thể cung cấp ngay từ lúc chọn nguyên liệu, nhưng cũng có thể bổ sung thêm vào giai đọan phát triển của quả thể. Dinh dưỡng trộn vào nguyên liệu có thể là phân bón hóa học hoặc 1% đường ăn hoặc khoáng như Kali, Phosphat, Magnê… Ngoài ra, nhiều loại phân bón lá, như N-P-K, KOMIX, Bimix, HVP… đều có thể dùng để tưới bổ sung cho nấm. Urê dùng tưới nấm rất tốt, nhưng khi phát sinh bệnh, nhất là mốc, phải ngưng ngay. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là khâu chế biến và ủ nguyên liệu. Nguyên liệu chuẩn bị tốt năng suất chắc chắn sẽ cao.
C/ Điều kiện nuôi ủ:

_ Góp phần đáng kể trong việc nâng năng suất nấm. Nếu trong thời gian ủ tơ, nhiệt độ lên cao hoặc xuống thấp quá, cũng làm ảnh hưởng đến kết quả nuôi trồng, đặc biệt trong tình trạng thiếu oxy, tơ bị ngộp, tiết nước, năng suất giảm nhanh. Do đó, bịch nuôi ủ nên để thoáng, mật độ vừa phải, có cửa sổ để gió lùa vào phòng làm giảm nhiệt độ, nhưng tránh nắng rọi trực tiếp. Khi tơ đã lan ra đầy bịch, bắt đầu giai đoạn tưới đón nấm. Giai đoạn này có nhiều vấn đề phải giải quyết:
• Nên treo bịch hay xếp kệ?
• Rạch bịch như thế nào?
• Lúc nào bắt đầu tưới và tưới ra sao?
• Nấm như thế nào thì thu hái được?
_ Phổ biến hiện nay người nuôi trồng vẫn thích treo hơn để dàn kệ, vì đỡ tốn kém và dễ vệ sinh. Trong trường hợp ở vườn nhà, có thể kết hợp nuôi trồng nấm mèo dưới các tán cây, để giảm một phần chi phí xây dựng. Bịch treo thành từng xâu 5-6 bịch, chiều cao không nên quá 1,6m để dễ quan sát và chăm sóc.
_ Để nấm “có chỗ chui ra”, trên thành bịch phải rạch thành nhiều đường. Đường rạch không cần lớn, chỉ cần dài khoảng 2 cm, nhưng gồm nhiều đường (12-15 đường), theo chiều hướng xung quanh thành bịch. Đường rạch cần đủ rách bao nilông, không phạm sâu vào khối mạt cưa có tơ nấm.
_ Sau khi, rạch khoảng sáu giờ thì có thể tưới nước. Lúc này vết thương của tơ nấm ở các vết rạch đã có thể lành lặn. Đồng thời nước tưới sẽ làm tăng độ ẩm và giảm nhiệt độ. Kích thích nấm kết quả thể tốt hơn
_ Khi thịt nấm đã hình thành ở các lỗ rạch (dạng sâu con), cần giữ ẩm tốt để quả thể phát triển bình thường. Nấm sẽ chuyển qua giai đoạn của quá trình phát triển và trưởng thành, bìa mép mỏng dần và bắt đầu xuất hiện dợn sóng là đến thời điểm thu hái. Thường người ta bón thêm dinh dưỡng vào lúc nấm dạng tách, để kích thích nấm tăng trưởng nhanh, hoặc tưới urê vào lúc nấm ở dạng dĩa, để tăng trọng lượng của quả thể và làm màu sắc nấm đẹp hơn.
D/ Phòng bệnh
_ Là vấn đề lớn hiện nay, nhất là khi phong trào trãi rộng, nhà nhà trồng nấm. Với số lượng bịch nuôi trồng lớn và trồng quanh năm, nếu không có biện pháp phòng bệnh tốt, thì khó đạt được kết quả. Việc phòng bệnh bao gồm:
• Chọn giống khỏe
• Xử lý và khử trùng tốt nguyên liệu
• Giữ môi trường nuôi trồng thật vệ sinh. Nên rửa bịch trước khi rạch 2 giờ
• Hạn chế sử dụng thuốc sát trùng trực tiếp lên nấm. Chỉ nên phun thuốc trừ sâu bệnh trước và sau khi nuôi trồng.
• Nên phân lô (bịch tốt, bịch xấu) để tiện chăm sóc.
Có thể tóm tắt những việc nên làm và không nên làm, khi nuôi trồng nấm mèo.

Nên làm
Nên tránh

Chọn giống tốt
Meo giống không rõ nguồn gốc
Nuôi ủ tơ (bịch phôi) nơi thoáng, có ánh sáng nhẹ (không chiếu nắng) Chồng chất bịch hoặc treo dày quá khi ủ (nấm bị ngộp, nhiệt độ tăng) hay tối quá (dễ phát sinh bệnh).

Thêm dinh dưỡng hoặc phân bón vào nguyên liệu Thêm hóa chất hoặc thuốc trừ sâu vào bịch phôi (để phòng bệnh)

Tưới nước sau khi rạch bịch 6 giờ, để hạ nhiệt hoặc tăng độ ẩm, kích thích nấm kết quả thể Tưới ngay sau khi rạch bịch hoặc để quá lâu (ba đến năm ngày), nấm yếu, dễ phát sinh bệnh

Bón thêm dinh dưỡng cho nấm ra tai, để tăng năng suất Nấm thiếu dinh dưỡng (sẽ lèo dài quá trình ra tơ và thu họach)

Phun thuốc phòng bệnh nhà trồng trước và sau khi đưa nấm vào tưới Phun thuốc bừa bãi trong lúc chăm sóc và tưới nấm, trừ khi phát sinh bệnh, nên diệt tập trung.

_ Hiện nay, với một bịch 1,5 kg có thể thu được trung bình từ 70-90g nấm mèo khô. Tóm lại , cần đảm bảo các điều kiện phù hợp với nhu cầu cho nấm và vệ sinh công nghiệp thì mới thu được kết quả tốt nhất.
5/ Những nguyên nhân dẫn đến thất bại khi trồng nấm mèo:
_ Nấm mèo cũng giống như các nghành nông nghiệp (chăn nuôi và trồng trọt) khác, nếu không có những hiểu biết và chuẩn bị tốt, thì vẫn có thể bị thất bại.
Nguyên nhân thất bại có thể do các lý do sau:
_ Giống thoái hóa, nhiễm tạp, tai nấm khô, năng suất kém. Do đó, tốt nhất nên chọn nơi có nguồn giống tin cậy để mua
_ Nguyên liệu khử trùng không tốt, chỗ ủ nóng hoặc không vệ sinh, hoặc đôi khi do sơ ý, cấy giống vào khi bịch còn nóng. Làm tỉ lệ bịch hư hỏng cao.
_Bịch phôi trong giai đọan ủ tơ, nếu để chồng lên nhau hoặc chỗ ủ không thông thoáng (bí hơi), nhiệt độ tăng cao, nắng chiếu trực tiếp… tơ đổ mồ hôi, tiết nước vàng. Đường rạch trên bịch quá dài, tưới nước giọt lớn, cũng là nguyên nhân làm năng suất nấm giảm và tuổi thọ bịch rút ngắn lại.
_Dịch bệnh làm thất thu. Qúa trình rạch bịch, nếu nơi treo nóng và khô, lại chậm tưới nước dễ phát sinh trứng (nhên mạt hay mites). Nhà trồng hoặc ủ, không vệ sinh hoặc gần trại gà, trại heo, dịch bệnh cũng có thể phát sinh và lây lan.
Tóm lại, so với chăn nuôi và trồng trọt. thì trồng nấm là tương đối nhàn hạ hơn, nhưng phải có những hiểu biết nhất định thì mới thu hái được kết quả tốt nhất.